Tất cả những điều cần biết về bệnh sởi
https://www.gocyhoc.com/2014/05/tat-ca-nhung-ieu-can-biet-ve-benh-soi.html
Tại các khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine không cao, dịch sởi có thể bùng phát và gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Hãy cùng điểm qua các dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị và phòng tránh bệnh sởi.
Bài viết được VnReview tổng hợp từ trang mạng y tế NHS Choices của Anh, trang web cung cấp tài liệu toàn văn y khoa Clinical Key (Mỹ), một số trang web trong nước, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ về bệnh sởi cũng như tránh lo lắng, hoang mang.
Liên kết nhanh:
>>> Bệnh sởi là gì ?
>>> Triệu chứng của bệnh sởi ?
>>> Vết ban của bệnh sởi ?
>>> Bệnh sởi lây lan như thế nào ?
>>> Những ai có thể mắc bệnh sởi ?
>>> Điều trị bệnh sởi ?
>>> Các dấu hiệu bệnh nặng.
>>> Biến chứng của bệnh sởi.
>>> Phòng bệnh sởi..
Bài viết được VnReview tổng hợp từ trang mạng y tế NHS Choices của Anh, trang web cung cấp tài liệu toàn văn y khoa Clinical Key (Mỹ), một số trang web trong nước, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ về bệnh sởi cũng như tránh lo lắng, hoang mang.
Bênh sởi ở trẻ em |
>>> Bệnh sởi là gì ?
>>> Triệu chứng của bệnh sởi ?
>>> Vết ban của bệnh sởi ?
>>> Bệnh sởi lây lan như thế nào ?
>>> Những ai có thể mắc bệnh sởi ?
>>> Điều trị bệnh sởi ?
>>> Các dấu hiệu bệnh nặng.
>>> Biến chứng của bệnh sởi.
>>> Phòng bệnh sởi..
Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi có tên tiếng Anh là measles hoặc rubeola (phân biệt với bệnh sởi Đức rubella), là một loại bệnh do virus cấp tính gây ra, thường xảy ra dịch lây vào mùa xuân ở các thành phố lớn, khi mà số lượng một nhóm trẻ không có miễn dịch với sởi đủ lớn. Sởi ít khi biểu hiện thầm lặng. Trước khi có vaccine sởi, lứa tuổi mắc bệnh thường gặp nhất là 5 đến 10 tuổi. Những người sinh trước năm 1957 được coi như có miễn dịch tự nhiên với sởi vì lúc đó sởi lưu hành rất phổ biến.Sởi là bệnh ở người và cho đến nay chưa thấy xuất hiện ở động vật.
Sởi có khả năng lây lan rất cao (90%) trên những người chưa có miễn dịch (chưa tiêm vaccine, chưa bị sởi lần đầu) qua đường hô hấp (lây từ người bệnh ho, nói chuyện hoặc tiếp xúc thông thường).
Tuy nhiên, về cơ bản đây là một bệnh lành tính vì thông thường, hệ miễn dịch của bạn sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Bạn chỉ cần cho người bệnh uống thật nhiều nước, vitamin, ăn uống thanh mát, không uống kháng sinh. Các biến chứng nặng của sởi là do cơ thể thiếu đề kháng và kiêng cữ không đầy đủ.
Triệu chứng của bệnh sởi
Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường xuất hiện trong vòng 4-10 ngày sau khi bạn bị nhiễm virus sởi. Các dấu hiệu này bao gồm:
- Các triệu chứng giống như cảm cúm: chảy nước mũi, nước mắt; mi mắt sưng phồng, hắt hơi sổ mũi.
- Mắt đỏ và quá nhạy cảm với ánh sáng.
- Sốt cao, có thể lên tới 40 độ.
- Mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Đau mỏi người.
- Ho khan.
- Nội ban (hạt Koplik): các hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà/xám, quanh có viền đỏ, thường thấy xuất hiện nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Chán ăn.
- Sau vài ngày, các vết ban màu đỏ nâu sẽ xuất hiện (xem chi tiết trong mục dưới).
Vết ban của bệnh sởi
Vết ban sẽ xuất hiện khoảng 2 đến 4 ngày sau khi có các triệu chứng đầu tiên và sẽ tồn tại trong vòng khoảng 1 tuần. Ban sởi là những ban dạng dát-sẩn màu hồng hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ.Vết ban của bệnh sởi. |
Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Đối với những trường hợp nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân.
Các vết ban thường có kích cỡ nhỏ khi mới xuất hiện nhưng sẽ nhanh chóng to lên, thậm chí là kết hợp thành ban lớn. Nếu bệnh đặc biệt nặng, ban có thể có dấu hiệu xuất huyết.
Người thân trong gia đình có thể nhầm lẫn vết ban của các bệnh khác thành ban sởi. Hãy lưu ý tới các triệu chứng được liệt kê trong mục trên.
Lưu ý: ban sởi là dạng ban xuất hiện có trình tự, từ quanh tai lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 gờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ hai đến ngày thứ ba của bệnh. Khi kết thúc nổi ban, ban sởi bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da. Các bệnh có phát ban khác thường phát ban không theo thứ tự.
Lúc ban sởi bay là lúc cơ thể nhạy cảm nhất và dễ gặp biến chứng nhất, nên cần tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, vệ sinh, không chủ quan cho rằng ban đã bay là bệnh khỏi.
Bệnh sởi lây lan như thế nào?
Virus sởi có trong hàng triệu hạt nước bọt li ti từ mũi và miệng của người bệnh mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi. Bạn có thể dễ dàng bị lây nhiễm bệnh sởi khi hít thở phải các hạt nước bọt này. Bạn cũng có thể nhiễm sởi nếu như để tay mình tiếp xúc với một bề mặt đã có nhiều virus sởi rồi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi. Virus sởi có thể tồn tại trong môi trường trong vòng vài giờ đồng hồ.
Khi đã xâm nhập vào cơ thể, virus sởi sẽ nhanh chóng sinh sôi nảy nở trong vòm họng và trong phổi trước khi lây lan ra toàn bộ cơ thể.
Những người mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh cho người khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Do đó, người bệnh cần tránh đến trường học, cơ quan… trong vòng ít nhất là 4 ngày từ thời điểm vết ban đầu tiên xuất hiện nhằm tránh lây bệnh cho người khác. Sau khi hết ban vẫn có thể ho kéo dài thêm 1-2 tuần.
Những ai có thể mắc sởi ?
Tất cả những người chưa từng tiêm vaccine và chưa từng bị sởi lần đầu đều có thể bị mắc bệnh sởi. Đối tượng bị mắc bệnh sởi nhiều nhất là các em nhỏ dưới 5 tuổi.
Hiếm khi trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi. Nếu nhóm trẻ này mắc sởi thì là do lây từ mẹ (đến đúng thời điểm sinh con thì ba mẹ mắc các bệnh này) và lây từ trẻ khác do miễn dịch từ mẹ chưa đầy đủ để bảo vệ trẻ, do đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ không có kháng thể miễn dịch sởi, hoặc miễn dịch rất ít (bà mẹ chưa từng bị sởi, chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ) nên khả năng bảo vệ thấp hoặc trẻ không được bú mẹ thì cũng không có miễn dịch phòng bệnh.
Sau khi bạn đã bị mắc bệnh sởi lần đầu, khả năng bị mắc sởi lần thứ 2 là rất thấp, bởi cơ thể đã tự sản sinh ra kháng thể miễn dịch đối với bệnh sởi.
Điều trị bệnh sởi
Bệnh sởi không có biện pháp điều trị chuyên biệt nào cả. Thông thường, hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Điều trị sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc và phòng ngừa biến chứng. Với thể sởi lành tính, điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm họng; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Có thể cho trẻ ở trong phòng máy lạnh nhiệt độ khoảng 25 độ C, bật chế độ khô/hút ẩm để giảm độ ẩm không khí.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ
Hàng ngày vệ sinh da dẻ, răng - miệng - mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày.
Tắm, rửa chân tay cho người bệnh bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lá lành như: kinh giới, lá mùi, trà xanh... (lưu ý dùng nguồn nước sạch và rửa sạch các loại lá trước khi nấu nước tắm). Không được kiêng nước, kiêng tắm rửa bởi sẽ gây ngứa và gãi xước da dẫn tới nhiễm trùng.
Để tránh lây nhiễm cho mình và những người khác, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh. Rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh. Rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho người bệnh.
Mặc quần áo rộng thoáng cho người bệnh. Giặt riêng quần áo của người bệnh, tốt nhất là giặt bằng nước nóng, phơi đồ nơi có nắng và thoáng gió. Nếu quần áo ẩm lâu khô thì nên dùng máy sấy và là ủi nóng để diệt khuẩn. Thay ga, gối, chăn sạch.
Vệ sinh môi trường: Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh (rửa bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn Cloramin B).
- Điều trị cơn sốt và giảm đau
Uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau và mỏi. Không được dùng aspirin để giảm sốt. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu như bạn không thực sự chắc chắn nên dùng loại thuốc nào. Nên lau người bằng khăn ấm để giảm sốt. Không chườm đá hoặc khăn lạnh.
- Ăn uống đúng cách
Cho ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu hoá, đủ chất (cháo thịt nạc, soup rau củ, canh các loại rau xanh mát nấu với thịt...). Với trẻ đang bú, tiếp tục và tăng cường cho bú mẹ để tăng đề kháng. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten.
Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê,… sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải… Bổ sung protein cho trẻ bằng cách cho uống sữa đậu nành.
Cho uống thuốc giảm ho bằng thảo dược. Không cho uống các loại thuốc giảm ho, long đờm, chống sổ mũi của Tây y, vì ho và sổ mũi sẽ bảo vệ phổi cho bé, giúp bé không bị viêm phổi.
Cho trẻ uống nước ấm, đặc biệt là nước có chứa mật ong hoặc chanh để giúp thả lỏng đường hô hấp, giảm chất nhầy trong đường hô hấp hoặc giảm ho.
Nếu con của bạn bị sốt cao, hãy cho bé uống rất nhiều nước vì các bé đang gặp nguy cơ mất nước rất lớn. Cho trẻ uống nhiều nước cũng sẽ làm giảm sự khó chịu khi ho.
Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.
Có thể uống sữa, uống nước cam, nước dừa, nước quả để cung cấp vitamin và tăng đề kháng, uống oresol để chống mất nước. Uống vitamin tổng hợp và vitamin C.
- Tuyệt đối không cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá, vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi. Không ai được hút thuốc lá gần bé, nếu hút thuốc bên ngoài thì khi về nhà phải thay đồ, tắm rửa và súc miệng trước khi tiếp xúc bé, vì những chất độc của khói thuốc lá có thể vẫn còn trên người của người hút và bé có thể hít phải.
- Uống vitamin A
Tình trạng thiếu vitamin A gặp ở 90% bệnh nhi mắc sởi ở châu Phi và gặp ở 22-72% bệnh nhi mắc sởi ở Mỹ. Có mối tương quan nghịch giữa nồng độ Vitamin A trong máu với mức độ nặng của sởi. Điều trị bằng Vitamin A đường uống đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi tại các nước đang phát triển. Cụ thể, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bổ sung vitamin A cho tất cả trẻ em được chẩn đoán với bệnh sởi với liều lượng theo độ tuổi như sau:
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng: 50.000 IU/ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ
- Tuổi 6-11 tháng: 100.000 IU/ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ.
- Trẻ trên 1 tuổi: 200.000 IU ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ.
- Trẻ em có dấu hiệu lâm sàng thiếu vitamin A: 2 liều đầu tiên theo tuổi, từ 2 đến 4 tuần sau đó bổ sung thêm liều thứ 3 theo tuổi.
Cách này nhằm phục hồi nồng độ vitamin A thấp khi mắc sởi, xuất hiện ở cả những trẻ được chăm sóc dinh dưỡng tốt và có thể dự phòng tổn thương mắt và mù. Bổ sung vitamin A cho thấy giảm 50% số ca tử vong do sởi.
- Điều trị đau mắt:
Kéo bớt rèm cửa để giúp giảm khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng (vẫn để mở cửa sổ để thoáng khí, không để phòng quá tối).
Bạn có thể dùng khăn bông sạch thấm nước muối sinh lý để lau rỉ mắt. Thay bông mỗi lần lau. Lau nhẹ mắt từ trong ra ngoài.
- Điều trị các triệu chứng giống như cảm cúm
Việc xông hơi có thể giúp người bệnh hồi phục từ các cơn ho. Hãy ngồi trước một bát nước nóng, đặt khăn ướt lên trên trán, nhắm mắt và hít thở sâu. Tránh để hơi nước bay vào mắt.
Trẻ em không nên xông hơi bởi các em có thể bị bỏng. Bù lại, bạn có thể để cho các em ngồi trong phòng tắm nóng, có nhiều hơi nước. Hoặc, bạn cũng có thể đặt khăn ấm lên máy sưởi dầu để không khí trong phòng có nhiều hơi nước hơn.
Uống nước ấm có pha chanh/mật ong/gừng/bạc hà, các thức uống có nhiều vitamin C. Súc miệng nước muối thường xuyên. Xịt rửa mũi bằng nước biển sâu. (Không uống thuốc chống sổ mũi).
- Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh - khí - phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh; và chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.
- Không uống thuốc cầm tiêu chảy khi trẻ bị tiêu chảy do sởi. Chỉ cho bé uống bù nước bằng dung dịch Oresol hoặc nước dừa tươi, ăn cháo thịt nạc, soup rau củ. Cà rốt có thể trị tiêu chảy và bổ sung caroten, nên cho bé ăn tăng cà rốt.
- Chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt cần phải nghĩ đến biến chứng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
Các dấu hiệu bệnh nặng
Khi bạn hoặc trẻ nhỏ trong gia đình bị mắc bệnh sởi, hãy cẩn thận để ý tới các dấu hiệu biến chứng nguy hiểm trong quá trình hệ miễn dịch đào thải virus sởi:
- Thở hụt hơi.
- Đau, tức ngực dữ dội; đau nặng hơn khi thở.
- Ho ra máu.
- Chóng mặt.
- Co giật.
Các triệu chứng này là dấu hiệu của các trường hợp nhiễm khuẩn nặng. Bạn cần phải nhanh chóng đưa người bệnh tới bệnh viện điều trị.
Biến chứng của bệnh sởi
Các biến chứng của bệnh sởi có thể đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Các biến chứng này bao gồm nhiễm khuẩn ở phổi (viêm phổi) hoặc ở não (viêm não).
Những người dễ mắc biến chứng của bệnh sởi bao gồm:
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi.
- rẻ có sức khỏe kém.
- Trẻ có hệ miễn dịch suy giảm: trẻ mắc AIDS, trẻ đang chữa hóa trị liệu hoặc trẻ bị ung thư bạch cầu.
- Trẻ vị thành niên và người lớn.
Theo ước tính, cứ 1 trên 5.000 người mắc sởi sẽ tử vong do biến chứng.
Các biến chứng thường gặp
Các biến chứng thường gặp nhất của bệnh sởi bao gồm:
- Tiêu chảy.
- Nôn mửa.
- Nhiễm trùng tai, có thể gây đau tai.
- Nhiễm trùng mắt (viêm kết mạc).
- Viêm thanh quản.
- Viêm phổi, viêm phế quản và viêm thanh quản (do nhiễm trùng đường hô hấp và phổi).
- Sốt cao, co giật.
Các biến chứng hiếm gặp hơn
Các biến chứng hiếm gặp hơn của bệnh sởi bao gồm:
- Nhiễm trùng gan (viêm gan).
- Lác mắt (trong trường hợp virus tác động vào hệ thần kinh và hệ cơ của mắt.
- Viêm màng não (nhiễm trùng cơ xung quanh não và cột sống) hoặc viêm não (nhiễm trùng não).
Các biến chứng cực kì hiếm gặp
Trong một số rất ít các trường hợp, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng sau:
- Nhiễm trùng thần kinh thị giác (dây thần kinh truyền thông tin từ mắt lên não). Có thể gây mù mắt.
- Rối loạn tim và hệ thần kinh.
- Viêm não toàn bộ xơ hóa bán cấp (SSPE: Subacute Sclerosing PanEncephalitis): Có thể gây chết người. Tỉ lệ xảy ra là 1/25.000 trường hợp nhiễm sởi.
Biến chứng đối với phụ nữ mang thai
Nếu bạn chưa miễn dịch sởi và mắc sởi khi đang mang thai, bạn mắc nguy cơ:
- Sảy thai.
- Sinh thai chết.
- Sinh non (sinh trước khi thai được 37 tuần tuổi).
- Sinh con thiếu cân.
Nếu bạn đang mang thai, chưa được miễn dịch và lo ngại đã tiếp xúc với bệnh nhân sởi, hãy nhanh chóng liên hệ với các bác sĩ nhằm giảm nguy cơ mắc sởi.
Phòng bệnh sởi
Cách tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm vaccine tổng hợp MMR (measles, mumps, rubella) dùng tránh sởi, quai bị và rubella.
Hiện nay có tình trạng nhiều phụ huynh không tiêm phòng sởi cho con, do có tin đồn về việc vaccine này gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ em. Một số phụ huynh khác thì không tin tưởng vào chương trình tiêm chủng sau nhiều vụ việc trẻ em bị tử vong sau tiêm chủng thời gian gần đây. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh vaccine MMR không liên quan gì đến bệnh tự kỷ, và tự kỷ là một dạng tổn thương ở não từ khi người mẹ mang thai chứ không do tiêm vaccine. Các trường hợp tử vong nếu do tiêm vaccine cũng chỉ là cá biệt, nếu bỏ qua việc tiêm vaccine cho con là bạn đã đặt con mình trước những nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo mà y học đã dày công nghiên cứu tìm cách chữa trị bằng vaccine. Khi cộng đồng có nhiều người không tiêm phòng, các dịch bệnh có thể bùng phát dữ dội trở lại.
Hiện có nhiều loại vaccine phòng sởi song chủ yếu chia làm 2 loại, gồm loại đơn và loại phối hợp. Vaccine phòng sởi đơn thường được tiêm mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi và mũi 2 nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Vaccine MMR là vaccine phối hợp. Mũi MMR đầu tiên thường được tiêm cho trẻ 13 tháng tuổi. Mũi MMR thứ 2 được tiêm vào trước thời điểm con của bạn bắt đầu đi học, tức là khi trẻ từ 3-5 tuổi.
Ngay cả trẻ em được tiêm vaccine trước khi đủ 12 tháng tuổi vẫn cần phải được tiêm 2 liều định kì vào thời điểm 13 tháng tuổi và trước khi đi học tiểu học.
Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc kiểm tra lại sổ theo dõi tiêm chủng để biết rõ liệu con bạn đã được tiêm vaccine đầy đủ so với độ tuổi hay chưa.
Lưu ý từ bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn (phòng khám Victoria Healthcare): vaccine sởi là vaccine sống giảm độc lực, có nghĩa là đó là virus sởi sống nhưng đã được làm yếu đi để không gây ra bệnh thực sự. Bé sơ sinh đã nhận kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai, giúp bảo vệ bé đến khoảng 1 tuổi, nếu bé chích vaccine sởi trước 1 tuổi, kháng thể còn trong máu sẽ tiêu diệt 1 phần vaccine sởi đó nên cơ thể chỉ đáp ứng tạo kháng thể đối với phần vaccine còn lại thôi, có thể là chỉ còn 50% hay 60% vaccine chích vào. Hiện tượng này gọi là đáp ứng miễn dịch không hoàn toàn. Vì vậy, nếu bé được chích mũi vaccine sởi trước 1 tuổi thì liều vaccine đó không được tính là 1 mũi chích đầu tiên, và từ 1 tuổi trở lên phải chích lại (thường chích mũi sởi - quai bị - rubella) và lúc đó mới tính là mũi chích đầu tiên (mũi 1). Nếu bé chích vaccine sởi đầu tiên vào lúc 1 tuổi trở lên thì đáp ứng miễn dịch được xem là hoàn toàn và lượng kháng thể tạo ra đủ sử dụng trong vài năm, do đó bé sẽ được chích nhắc lại 1 mũi vaccine sởi (hay sởi - quai bị - Rubella) (mũi 2) lúc 4-6 tuổi (không nhất thiết phải tiêm nhắc lại sớm hơn, tuy nhiên muốn tiêm nhắc sớm hơn cũng được, miễn là phải cách mũi vaccine sống tối thiểu 4 tuần lễ). Nếu chích liều đầu tiên sau 1 tuổi thì hiệu quả bảo vệ của vaccine sởi là hơn 97%.
Những người đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine sởi thì nếu có mắc sởi cũng bị nhẹ hơn và giảm đáng kể biến chứng.
Người lớn và trẻ từ 6 – 13 tháng tuổi cũng có thể tiêm MMR nếu như họ gặp nguy cơ mắc sởi cao. Ví dụ, trong khu vực đang có dịch sởi bùng phát, hoặc trong trường hợp bạn đang chuẩn bị đi tới các vùng có tỉ lệ nhiễm sởi cao, hoặc trong trường hợp bạn đã tiếp xúc với người bị bệnh sởi, bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo tiêm vaccine MMR.
Trong trường hợp bạn không rõ liệu con của mình đã được tiêm vaccine trong quá khứ hay chưa, việc tiêm vaccine thêm một lần nữa cũng sẽ không gây hại gì cả.
Cách phòng sởi cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi
Ngay sau khi sinh con, cách tốt nhất để phòng bệnh và tăng đề kháng cho trẻ là cho trẻ tiếp xúc với cơ thể mẹ ngay và cho con bú càng nhiều càng tốt. Lưu ý là những ngày đầu sữa có thể chưa về nhưng trong vú mẹ đã có sữa non (colostrum) rất giàu kháng thể, sữa non đã được tích lũy trong vú mẹ từ tháng mang thai thứ năm, nên cho dù người mẹ cảm giác không có sữa nhưng thực tế bé vẫn bú được lượng sữa non quý giá này. Cho con bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong ba ngày đầu để bé lấy toàn bộ lượng sữa non và sữa sau này sẽ nhiều, đủ cho bé bú. Đừng lo trẻ bị đói vì trong 3 ngày đầu trẻ vẫn được cung cấp dinh dưỡng từ cuống rốn. Tránh hết sức việc dùng sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ mới sinh có thể bị giảm cân nặng là bình thường, nhưng nếu người mẹ cho bé bú đúng cách thì mẹ sẽ cung cấp đủ sữa cho con bú và bé sẽ tăng cân tốt, đồng thời trẻ sẽ không bị bệnh trong 6 tháng đầu đời cũng như có đủ kháng thể để chống lại các căn bệnh khác khi lớn hơn.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên tiêm vaccine MMR. Nếu mẹ của đứa trẻ đã từng được miễn dịch, đứa trẻ sẽ có sẵn một lượng kháng thể đối với bệnh sởi do mẹ truyền lại vào thời điểm sinh con. Các kháng thể này có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong vòng vài tháng sau khi sinh.
Nếu mẹ của trẻ chưa được miễn dịch trước khi mang thai, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể được tiêm globuline miễn dịch (HNIG) nếu như hệ miễn dịch của các em quá yếu. HNIG không phải là vaccine mà chỉ là một lượng kháng thể tập trung có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong một thời gian ngắn. Sau khi tiêm HNIG, phải sau ít nhất 3 tháng mới được tiêm vaccine MMR.
Biện pháp tiêm vaccine cho mẹ và trẻ trên 6 tháng tuổi vẫn là biện pháp phòng ngừa cần thiết nhất.
Phòng sởi cho phụ nữ sắp/đang mang thai
Nếu sắp sửa mang thai và chưa miễn dịch sởi (chưa tiêm vaccine, chưa từng bị nhiễm sởi), bạn cần nhanh chóng tiêm vaccine MMR trước khi mang thai.
Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vaccine MMR. Do đó, nếu bạn có nguy cơ đã tiếp xúc với người bệnh sởi, bạn có thể sẽ được tiêm HNIG để giảm nguy cơ nhiễm sởi.
Tránh lây lan bệnh sởi
Khi bạn hoặc người trong gia đình bị mắc sởi, việc tránh lây bệnh cho người khác là tối quan trọng.
Bạn cần tránh đến trường học hoặc công ty trong vòng ít nhất 4 ngày sau khi xuất hiện các vết ban.
Bạn cần tránh tiếp xúc với những người có khả năng bị lây bệnh cao, ví dụ như trẻ nhỏ hoặc phụ nữ có thai.
Tránh tới những nơi đông người để đề phòng lây nhiễm từ cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch sởi đang bùng phát như hiện nay, bạn không nên đưa con trẻ tới bệnh viện để tránh lây chéo khi trẻ chỉ bị các bệnh thông thường khác như viêm mũi họng, phế quản..., và khi cần thì tránh đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nơi đang tập trung nhiều trẻ bị sởi.
Trường hợp trẻ có các dấu hiệu ban đầu và nhẹ của bệnh sởi, trước mắt hãy điều trị tại nhà như hướng dẫn ở trên, hoặc có thể đưa con tới các cơ sở y tế tại địa phương để kiểm tra. Chỉ trong trường hợp bệnh biến chứng nặng, bạn mới nên đưa người bệnh tới các bệnh viện để điều trị. Các dấu hiệu ban đầu của sởi khá giống với sốt phát ban, sốt xuất huyết, cảm cúm..., nếu quá nôn nóng đưa con tới bệnh viện trong thời gian này, con bạn dù không bị sởi cũng có thể bị lây sởi tại bệnh viện và có thể bị biến chứng nặng khi "ra gió" và mệt mỏi do di chuyển.
Bệnh viện Nhi Trung ương lúc này đang quá tải bệnh nhân sởi và cũng là nơi có nhiều trẻ tử vong nhất, bạn nên tránh đưa con tới bệnh viện này.
Các biện pháp dân gian như uống và tắm nước lá mùi, dùng các bài thuốc sắc dân gian tuy chưa được y học khẳng định về tính hiệu quả nhưng bạn cũng có thể tìm hiểu để áp dụng, song không nên quá lo lắng và nên rửa thật sạch các thảo dược trước khi dùng.
Lê Hoàng VNREVIEW